'Ngân hàng cho vay theo kiểu tiệm cầm đồ'
Gặp gỡ các ngân hàng TP HCM sáng 6/7, lãnh đạo Công ty Tân Nhất Hương nhận xét, nhà băng hiện nay cho vay chỉ dựa trên tài sản thế chấp là chính, giống như cách làm của tiệm cầm đồ.
>>Thông tin ngân hàng habubank nợ nần là sai lệch
Bà Vũ Thị Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Tân Nhất Hương cho biết, đơn vị bà chuyên sản xuất kem làm bánh, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Bà gặp lãnh đạo Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp TP HCM để nhờ hỗ trợ vay vốn thì bị từ chối.
Lãnh đạo quỹ cho rằng, đơn vị bà Sơn không thuộc nhóm hàng được vay ưu đãi và đưa ra danh sách gồm 11 nhóm thuộc diện ưu tiên khác. "Tại sao một doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên sản xuất hàng xuất khẩu lại không thuộc diện được ưu tiên vay vốn?", bà Sơn thắc mắc.
Doanh nghiệp cảm giác ngân hàng cho vay giống tiệm cầm đồ. Ảnh: Lệ Chi. |
Vị giám đốc này còn cho rằng, bà có cảm giác các ngân hàng hiện nay cho vay vốn giống như những tiệm cầm đồ, bởi thực tế để tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp hết sức khổ sở. Hầu như nhà băng nào cũng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, còn lãi suất thì luôn ở những mức cao ngất ngưởng.
"Tôi thật sự hy vọng năm nay hoặc sang năm, các nhà băng nên đồng cảm hơn với doanh nghiệp và cố gắng giảm lãi suất hơn nữa trong ngành xuất khẩu", bà Sơn bộc bạch.
Đại diện Công ty Song Tâm cũng cho hay, đơn vị ông đã thành lập được 3 năm chuyên về thương mại điện tử. Theo ông, đây là một ngành có thể mang lại lợi nhuận cao và đang trong xu hướng phát triển, tuy nhiên, kèm theo đó rủi ro cũng không ít. Chính vì vậy mà khi Song Tâm đến các ngân hàng gõ cửa vay vốn đều bị từ chối. "Vậy để có thể vay được vốn kinh doanh các dự án Thương mại điện tử này, chúng tôi cần có những điều kiện như thế nào", vị đại diện nêu ý kiến.
Một số doanh nghiệp khác bên cạnh việc kêu vướng về tài sản thế chấp, còn than thở lãi suất cao. Lãnh đạo Công ty TNHH sản xuất thương mại Êm Đềm chuyên kinh doanh về bất động sản bộc bạch, doanh nghiệp ông có ký hợp đồng vay trung hạn với một ngân hàng lãi suất 19%. Nay công ty ông có công văn đề nghị ngân hàng giảm lãi suất nhưng vẫn chưa được chấp nhận. "Trong bối cảnh thị trường nhà đất đóng băng như hiện nay, khoản tiền lãi hàng tháng với mức 19% thực sự là một áp lực lớn cho doanh nghiệp", ông bày tỏ.
Trước những phản ánh của doanh nghiệp, lãnh đạo Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng trên địa bàn TP HCM đã lần lượt giải đáp.
Đại diện Vietinbank thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay phải trả lãi suất vay trung dài hạn lĩnh vực bất động sản 19% là khá cao. Thông thường, mức lãi vay cho diện này sẽ bằng mức vốn huy động ngắn hạn cộng với biên độ tối đa 5%, thậm chí có nhà băng chỉ áp biên độ 3 hoặc 4%. Sau đó, từng quý sẽ điều chỉnh một lần. Do đó, khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp nên chú ý đến các điều khoản thỏa thuận để dễ dàng đàm phán sau này.
Về trường hợp của Công ty Tân Nhất Hương, ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp TP HCM cho rằng, không có lĩnh vực nào Quỹ từ chối bảo lãnh cả.
"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn khi thiếu tài sản thế chấp. Vì đây là tổ chức tài chính Nhà nước trực thuộc UBND TP HCM nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp không đủ tài sản thế chấp được phép vay vốn ngân hàng", ông Long nói.
Cũng theo ông Long, các doanh nghiệp muốn vay vốn trung, dài hạn tại ngân hàng phải có dự án đầu tư, còn ngắn hạn phải có phương án kinh doanh thì Quỹ bảo lãnh tín dụng mới hỗ trợ được.
Điều kiện theo ông Long, chỉ cần doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và vừa theo Nghị định 56, dưới 300 lao động, có vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án, phương án kinh doanh đó là 10%. Ngoài ra, dự án phải khả thi: dữ liệu đầu vào phù hợp với trình độ sản xuất, năng lực, vốn, thực tiễn…; không được nợ đọng thuế, nợ xấu thì sẽ tiếp cận được Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Riêng lĩnh vực thương mại điện tử, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB Phạm Linh cho rằng, hiện tại không phải riêng Việt Nam mà ngay cả nước ngoài cũng xem đây là một ngành khá rủi ro vì khó xác định được doanh nghiệp đã thành lập bao nhiêu lâu, có bước tiến nào trong kinh doanh...
Do vậy, theo ông Linh, doanh nghiệp hoạt động Thương mại điện tử tiếp cận ngân hàng rất khó mà phải có những quỹ đầu tư tham gia cùng đánh giá hiệu quả và bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Đối với doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, phương án kinh doanh mở rộng sẽ là phương án để các nhà băng sắp xếp tài trợ cho vay. Còn đối với điều kiện cho vay không khác các phương án khác, có tính toán dòng tiền. Nếu rủi ro cao quá doanh nghiệp phải có thêm tài sản đảm bảo.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết, bản thân cơ quan này đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Hiện nay, ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp với quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu doanh nghiệp nào gặp khó khăn, không có tài sản đảm bảo sẽ đứng ra bảo lãnh vay vốn.
Ông Dũng cũng cho hay, trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đang phối hợp với Sở công thương, Hiệp hội doanh nghiệp, Trung tâm xúc tiến thương mại... để tập hợp danh sách các doanh nghiệp cụ thể gặp khó khăn, có nhu cầu về vốn. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phân chia cụ thể cho các nhà băng trên địa bàn để được giải quyết ngay.
"Mô hình này đang được triển khai tại quận Tân Bình và đã có khoảng 11 doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp được khoảng 60 tỷ đồng. Tuy bước đầu số lượng doanh nghiệp được giải quyết chưa nhiều, số vốn cũng còn khiêm tốn nhưng thể hiện nỗ lực của các ngành, các cấp", ông Dũng nói.
Giải thích thêm những thắc mắc vì sao lãi suất ưu đãi không mở rộng cho tất cả các đối tượng, ông Dũng cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế phải đối phó với nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể mạnh dạn đưa vốn ra nhiều do sợ lạm phát mà chỉ dám đưa vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm kích thích phát triển kinh tế. Những lĩnh vực khác, theo ông Dũng, nếu là đối tượng khách hàng truyền thống, thân thiết tốt của các nhà băng vẫn có thể tiếp cận lãi suất thấp hơn 13%.
Vị Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp thông cảm cho cái khó của ngành ngân hàng. Bởi theo ông, hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn vì hàng tồn kho nhiều, không có phương án kinh doanh hiệu quả, nợ quá hạn và nợ xấu gia tăng... nên ngân hàng khó lòng giải quyết được tất cả cho doanh nghiệp. Vì bản thân ngân hàng cũng cũng hoạt động như một doanh nghiệp, phải tuân theo hệ số an toàn.
Lệ Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét